Bối cảnh Trận_Osan

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ

Rạng sáng ngày 25 tháng 6 năm 1950, được pháo binh yểm trợ, Quân đội Nhân dân Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 tấn công về phía nam, bắt đầu cuộc Chiến tranh Triều Tiên.[2] Đối đầu với 89.000 quân Bắc Triều Tiên được trang bị đầy đủ xe tăng, máy bay là một lực lượng Nam Triều Tiên ít hơn và không sẵn sàng chiến đấu khi thiếu tổ chức cũng như trang bị.[3] Quân số áp đảo của quân đội Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng tiêu diệt những sự kháng cự dọc biên giới của 38.000 Nam quân và tiến sâu về phía nam.[4] Lính Nam Triều Tiên tháo lui hoặc đào ngũ hàng loạt sang miền Bắc. Seoul, thủ đô Nam Triều Tiên bị Bắc quân chiếm vào ngày 28 tháng 6.[5]

Để ngăn không cho Nam Triều Tiên sụp đổ, Liên Hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc giúp Nam Triều Tiên vào ngày 27 tháng 6. Hạm đội 7 Hoa Kỳ đưa Lực lượng Lực lượng Đặc nhiệm 77, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm USS Valley Forge; Hạm đội Viễn Đông Anh cũng đưa một số tàu, trong đó có hàng không mẫu hạm HMS Triumph đến để yểm trợ sức mạnh không quân và hải quân.[6] Các hoạt động hải quân đã phong tỏa được Bắc Triều Tiên và các cuộc không kích đã làm trì hoãn đà tiến của Bắc quân nhưng không vì thế mà cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên dừng lại.[7] Tổng thống Mỹ Harry S. Truman quyết định đưa bộ binh đến để hỗ trợ các cuộc không kích.[8] Tuy nhiên, sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ tại Viễn Đông năm năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã giảm sút và đơn vị gần mặt trận Triều Tiên nhất là Sư đoàn Bộ binh số 24 thuộc Quân đoàn 8, căn cứ chính tại Nhật Bản. Ngoài ra việc cắt giảm chi phí quân sự còn khiến cho sư đoàn này không đủ sức chiến đấu và được trang bị lạc hậu.[8]

Tư lệnh Sư đoàn 24 là Thiếu tướng William F. Dean xác định Trung đoàn Bộ binh số 21 là đơn vị đủ sức chiến đấu nhất trong số ba trung đoàn của sư đoàn mình. Dean sau đó quyết định tách Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 21 ra riêng vì đơn vị này được chỉ huy bởi Trung tá Charles Bradford Smith là một quân nhân nhiều kinh nghiệm, từng tham gia chiến đấu trong Trận Guadalcanal thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tiểu đoàn này sẽ được các máy bay vận tải C-54 Skymaster đưa đến Triều Tiên để chặn bước tiến của quân Bắc Triều Tiên, trong khi phần còn lại của sư đoàn sẽ đến Nam Triều Tiên sau bằng đường biển.[9]

Lực lượng Đặc nhiệm Smith

Sau khi đến Pusan, chúng ta sẽ tiến về Taejon. Chúng ta muốn chặn đứng bọn Bắc Triều Tiên càng xa Pusan càng tốt. Khóa con đường càng xa phía bắc càng tốt. Hãy liên lạc với tướng Church. Nếu các anh không tìm thấy ông ta, vẫn hãy đến Taejon và xa hơn nữa nếu có thể. Tôi rất xin lỗi khi không thể cho các anh nhiều thông tin hơn – đó là tất cả những gì tôi có. Chúc may mắn, và cầu Chúa phù hộ anh và các người lính của anh!!

——Lệnh của tướng William F. Dean đến Trung tá Smith[10]

Lực lượng Đặc nhiệm Smith đến Nam Triều Tiên.

Đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 24 rời Căn cứ Không quân Itazuke, Nhật Bản vào ngày 30 tháng 6.[11] Lực lượng Đặc nhiệm Smith, mang tên chỉ huy trưởng của nó là Trung tá Smith, có quân số 406 người thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 21 và 134 người thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn Pháo Dã chiến 52 dưới quyền Trung tá Miller O. Perry.[12][13] Cả hai đơn vị này đều bị trang bị yếu kém và không đủ quân số: Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 21 chỉ có hai đại đội bộ binh (B và C) trong khi một đơn vị tiểu đoàn lục quân Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn là ba đại đội. Hậu quả là quân số tối thiểu của Đại đội Chỉ huy, trung đội thông tin, trung đội vũ khí hạng nặng bị cắt giảm phân nửa. Vũ khí được trang bị chỉ vỏn vẹn 6 khẩu Bazooka M9A1 đã lỗi thời, 2 khẩu pháo không giật 75 mm, 2 khẩu súng cối 4,2 inch (107mm) và 4 khẩu súng cối 60mm. Hầu hết số vũ khí này được lấy từ phần còn lại của Trung đoàn 21, đơn vị vốn cũng đã không đủ sức mạnh.[14] Khẩu đội pháo A, đơn vị yểm trợ pháo binh cho Lực lượng Đặc nhiệm được trang bị 6 khẩu lựu pháo 105mm.[8] Các khẩu pháo này được cho cơ số đạn là 1.200 quả đạn trái phá không đủ sức xuyên thủng lớp giáp của các xe tăng và chỉ có 6 quả đạn chống tăng dùng thuốc nổ mạnh (HEAT).[12] Ngoài pháo, Đại đội A còn có 4 khẩu súng máy hạng nặng M2 Browning.

Hầu hết những người lính thuộc Lực lượng Đặc nhiệm đều chưa đến 20 tuổi, không có kinh nghiệm chiến đấu và chỉ được 8 tuần[15] huấn luyện cơ bản.[16] Chỉ 1/3 số sĩ quan của Lực lượng Đặc nhiệm có kinh nghiệm chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai[10], và chỉ 1/6 số lính tuyển mộ có kinh nghiệm chiến đấu.[17] Tuy nhiên nhiều người trong số đó đã tình nguyện gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm.[14] Mỗi người lính được trang bị cơ số đạn 120 viên và 2 ngày khẩu phần C.[17]

Thành phần Lực lượng Đặc nhiệm Smith tham gia Trận Osan

  • Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 21
    • Trung đội Chỉ huy
    • Đại đội B
    • Đại đội C
    • Trung đội Vũ khí Hạng nặng
  • Tiểu đoàn Pháo Dã chiến 52
    • Khẩu đội pháo A

Ngày 1 tháng 7[18], Lực lượng Đặc nhiệm Smith đến Nam Triều Tiên và nhanh chóng thiết lập tổng hành dinh tại Taejon.[13][19] Lực lượng Đặc nhiệm tiến về phía bắc bằng đường sắt và xe tải để đối đầu với quân Bắc Triều Tiên.[20] Lực lượng Đặc nhiệm Smith là một trong số vài đơn vị Hoa Kỳ được đưa đến Triều Tiên với mục đích gây tâm lý "sốc" ban đầu cho đà tiến của Bắc quân và trì hoãn các đơn vị Bắc quân càng lâu càng tốt trước khi nhiều lính Mỹ sau đó được đưa đến Triều Tiên. Nhiệm vụ cụ thể của Lực lượng Đặc nhiệm Smith là tiến về phía bắc càng xa càng tốt và đối đầu với quân Bắc Triều Tiên giúp cho phần còn lại của Sư đoàn 24 kịp đến Nam Triều Tiên tăng viện.[13][21] Tư lệnh Sư đoàn 24 William F. Dean đã ra lệnh Trung tá Smith ngăn Bắc quân dọc quốc lộ từ Suwon và càng xa Pusan càng tốt.[10][22]

Ba ngày sau đó[18], đơn vị đã đào công sự tại hai ngọn đồi ngang quốc lộ phía bắc làng Osan, cách Suwon 9,7 km và Seoul khoảng 40 km về phía nam.[10][23] Hai đỉnh đồi cao 91 m, từ đó có thể trông thấy toàn bộ con đường đến Suwon. Tiểu đoàn thiết lập tuyến phòng thủ dài 1,6 km trên cả hai ngọn đồi đó[17] để đánh chặn quân bắc Triều Tiên đang tiến tới.[8] Lính Mỹ bố trí dọc theo quốc lộ với 2 đội hình bộ binh trên hai ngọn đồi, 5 khẩu lựu pháo cách đội hình bộ binh 1,6 km còn khẩu lựu pháo thứ 6 được trang bị cả sáu quả đạn chống tăng dùng thuốc nổ mạnh bố trí giữa đội hình bộ binh và 5 khẩu pháo còn lại.[24] Mưa lớn khiến cho việc yểm trợ không lực không thể thực hiện do đó Smith và Perry buộc phải tái tổ chức khẩu đội pháo theo cách như trên với hi vọng nó sẽ phát huy hiệu quả.[14]